Thời gian qua rất nhiều bà con đặt câu hỏi đến Gia Cát Lợi thế nào là giao dịch cà phê trên thị trường kỳ hạn? Cách thức thực hiện như thế nào, người nông dân được hưởng lợi gì khi tham gia thị trường cà phê kỳ hạn?
Thị trường kỳ hạn, nói một cách nôm na nhất, giống như một loại bảo hiểm. Chẳng hạn, một nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk có thể sợ giá cà phê trên thị trường thế giới sẽ giảm trước khi cà phê của ông được thu hoạch và đưa ra thị trường. Ngược lại, một nhà rang xay cà phê ở châu Âu có thể sợ giá cà phê sẽ tăng trước khi nhận được hàng (cà phê nhân).
Trong tình huống này, người nông dân sẽ bán cà phê vào một thời điểm giao hàng nhất định trong tương lai, khi thu hoạch sẵn sàng và nhà rang xay sẽ mua cà phê ở cùng thời điểm tương lai đó. Họ có thể mua, bán thông qua nhà buôn trên thị trường kỳ hạn chứ không giao dịch trực tiếp với nhau. Thành phần trung gian này nhận mua hay bán với giá nhất định một số lượng cà phê vào một thời điểm trong tương lai.
Nhờ hợp đồng mua hay bán đó, nhà rang xay hay người trồng cà phê có thể yên tâm vì biết trước giá mình sẽ mua hay bán, bất kể các yếu tố bất trắc như thời tiết, sâu bệnh ảnh hưởng đến mùa màng, tức là cung cầu.
Còn nhà đầu cơ trên thị trường kỳ hạn, họ có thể là ngân hàng, quỹ đầu tư, hoặc nhà đầu tư cá nhân và chỉ tìm kiếm lợi nhuận ở thị trường kỳ hạn như ở bất cứ nơi nào khác. Nhà đầu cơ, thực ra không có cà phê để bán, có thể quyết định giá cà phê sẽ tăng, trong trường hợp sẽ mua cà phê kỳ hạn và kế hoạch bán nó sau đó khi giá tăng. Nếu đánh giá về xu hướng giá cả là đúng, nhà đầu cơ sẽ kiếm được lời; nếu không sẽ phải lỗ. Thị trường kỳ hạn không thể thiếu nhà đầu cơ, hay nhà đầu cơ làm cho thị trường quay vòng linh hoạt hơn.
Sức mạnh trong tay người nông dân
Có nhiều yếu tố quyết định giá cà phê như mùa màng, thời tiết, thảm họa, xung đột… Nhà đầu cơ nhiều khi bóp méo giá cả nhưng tình trạng này chỉ mang tính nhất thời.
Những người nông dân mặc dù chỉ giao dịch trực tiếp với người thu gom cà phê trong phạm vi địa phương nhưng không có nghĩa họ không có vai trò gì trên thị trường kỳ hạn. Theo bà Lisa Essex, một phóng viên đưa tin thị trường hàng hoá kỳ cựu của Reuters, sức mạnh của người nông dân là “trong tay họ có hàng hoá thật”. Rõ ràng người nông dân không trực tiếp giao dịch trên thị trường kỳ hạn, cà phê lại càng không được mua bán “mặt đối mặt” với nhà rang xay nhưng họ (cần phải là tập hợp một nhóm hội để có tiếng nói đủ mạnh) vẫn có thể thương thuyết với nhà rang xay trong trường hợp bị các nhà thu gom quá ép giá.
“Trong trường hợp bị ép giá, hội nông dân trồng cà phê có thể quyết định không giao cà phê, cái họ thực có trong tay. Thông tin này đến với thị trường, đặc biệt nhà rang xay sẽcó tác động ngay. Bởi vì thị trường do cung cầu điều khiển và điều nhà rang xay, chế biến ngại nhất là không có nguyên liệu sản xuất”, bà Lisa nói.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam giao dịch với thị trường kỳ hạn Luân Đôn thông qua ngân hàng Techcombank. Thực ra, theo một nhân viên phụ trách về thị trường kỳ hạn của Techcombank, Techcombank cũng chỉ là môi giới từ Việt Nam tới các thành viên của sàn giao dịch Luân Đôn. Thông qua hệ thống điện tử do bên nước ngoài cung cấp, Techcombank nhận lệnh khách hàng của Việt Nam, sau đó khớp lệnh với thành viên của sàn giao dịch. Tất nhiên, những doanh nghiệp qua môi giới của Techcombank phải trả phí và ký quỹ.